Tại Hà Nội, người ta có thể bị bỏ tù vì tín ngưỡng

Nhật báo La Croix hôm nay, với tựa đề « Tại Hà Nội, người ta có thể bị bỏ tù vì đức tin tôn giáo », mô tả sức hút của Công giáo tại Hà Nội và những căng thẳng giữa Công giáo và chính quyền Việt Nam trong thời gian hai năm gần đây.

Theo La Croix, kể từ năm 1986, nhà nước Việt Nam bắt đầu khẳng định tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế quyền tự do này không thực sự được thực thi. Chính vì vậy, nhiều người theo Thiên chúa giáo đã phản kháng lại. Từ hai năm nay, các căng thẳng tiềm tàng có lúc dâng cao, và bùng nổ thành xung đột, đặc biệt liên quan đến các tranh chấp đất đai, nhất là ở Hà Nội.

Theo số thống kê chính thức, Hà Nội chỉ có 30 nghìn tín đồ Công giáo trên tổng số 4 triệu dân cư, trong khi trên toàn quốc, có khoảng 7 triệu người Công giáo, chiếm 8% dân số. Với làn sóng di dân từ nông thôn và các luồng nhập cư từ các nơi, và việc hôn nhân với người ngoài đạo, số lượng tín đồ Công giáo tại Hà Nội trên thực tế cao hơn nhiều. Hiện tại các cơ sở sinh hoạt tôn giáo tại các xứ đạo đều quá tải. Thái Hà, xứ đạo lớn nhất, phải đón tiếp từ 12 đến 15 nghìn người trong các buổi thánh lễ.

La Croix đặt câu hỏi, tại sao Công giáo lại có sức thu hút như vậy ? Theo một linh mục xứ Thái Hà, chính đức tin sâu sắc vào Chúa của những người Công giáo mang lại sức hấp dẫn cho tôn giáo này, tại một đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng lý tưởng. Tuy nhiên, cũng theo linh mục này, những căng thẳng trong quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo khiến nhiều người, đặc biệt là sinh viên, xa lánh tôn giáo, vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của mình.

Theo linh mục xứ Thái Hà, do các nguyên nhân lịch sử, nhà cầm quyền coi nhiều người Công giáo như kẻ thù. Những người truyền giáo trước kia đã tới Việt Nam cùng với thực dân. Quá khứ này đã để lại nhiều dấu ấn, bên cạnh các cuộc đàn áp tôn giáo. Đàn áp tôn giáo tiếp tục khốc liệt sau khi những người cộng sản lên nắm quyền. Theo linh mục, cho đến giữa những năm 1980, các nhà thờ vẫn bị đóng cửa. Cho đến năm 1986, một giao ước khá mơ hồ đã được thiết lập, theo đó, để đổi lại việc nhà nước cho phép hoạt động tín ngưỡng, Giáo hội Công giáo phải từ bỏ thái độ đối kháng chống lại chế độ.

Tuy nhiên, giao ước này không giải quyết dễ dàng mọi trở ngại trong quan hệ giữa hai phía. Vẫn tiếp tục có những tiếng nói từ phía các chức sắc Công giáo cho rằng, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn đang là một trong các giáo hội bị đàn áp nhiều nhất, như lời phát biểu của Giám mục Thanh Hóa tháng 10 năm 2009, trong một cuộc họp của Hội đồng giám mục.

Một tín đồ Công giáo cho biết, các xung đột về đất đai chỉ là một cái cớ đế chính quyền đàn áp. Bởi họ nhìn thấy trong Giáo hội Công giáo một mảnh đất tự do, cái tự do mà mọi người Việt Nam đều mong muốn. Chính vì vậy, chính quyền đã đàn áp để không cho tinh thần đó lan tỏa. Việc Tổng giám mục Hà Nội bị thay đối bất ngờ mới đây càng làm tăng thêm nỗi ngờ vực đối với chính quyền Hà Nội, nơi những người Công giáo.

Tuy nhiên, lại cũng có những người Công giáo khác tránh xa các xung đột này. Sơ Marie được La Croix phỏng vấn, cho biết, đầu năm nay bà chọn tập trung vào tổ chức hội mừng kết thúc năm học của ngôi trường do bà phụ trách. Các phụ huynh học sinh rất ngưỡng mộ các hoạt động do bà phụ trách như : ca hát, nhảy múa, âm nhạc. Theo bà, các nhu cầu xã hội chăm sóc trẻ mồ côi, trường học cho những người tàn tật, trạm y tế, những việc mà người Công giáo có thể đảm nhiệm, là rất lớn. Bà có vẻ khá lạc quan, vì ngày càng có nhiều người đi theo tiếng gọi của đức tin. Bà cũng cho biết, tại các vùng nông thôn, nhận được giấy phép của chính quyền dễ hơn là tại các thành phố.

Còn theo sơ Lucie, đứng đầu một trung tâm trợ giúp y tế, thực phẩm cho biết, « Chúa đã sắp đặt hết ». Bất chấp các xung đột giữa Giáo hội và chính quyền, các hoạt động của trung tâm bà vẫn tiếp tục. Vấn đề quan trọng, theo bà, là đừng trộn lẫn với chính trị. Chính nhờ những hoạt động từ thiện này mà những cái nhìn của những người theo đạo Phật và những người vô thần đối với Công giáo cũng thay đổi.

Theo : RFI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét